Văn học nghệ thuật TP.HCM trong dòng chảy hội nhập: Thành tựu và những…khoảng lặng
VHO- Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) TP.HCM vừa tổ chức Hội thảo chuyên đề Văn học, nghệ thuật TP.HCM - 60 năm xây dựng và phát triển, hoạt động hướng đến kỷ niệm 60 năm thành lập Liên hiệp. Tại đây, các văn nghệ sĩ, chuyên gia đã cùng nhìn nhận lại vai trò của đội ngũ sáng tạo nghệ thuật thời gian qua, đồng thời, đề xuất nhiều giải pháp để VHNT phát triển trong giai đoạn mới.
Kịch múa “Tổ quốc” của Trường Trung cấp Múa TP.HCM biểu diễn trong chương trình quảng bá tác phẩm VHNT tiêu biểu
Để VHNT không bị “đứt gãy” những giá trị truyền thống…
PGS.TS Trần Luân Kim, Trưởng ban Lý luận phê bình Liên hiệp các Hội VHNT TP.HCM bày tỏ, Liên hiệp các Hội VHNT TP đóng vai trò quan trọng trong việc tập hợp, đoàn kết các lực lượng VHNT, tích cực chống các quan điểm tiêu cực, lệch lạc trong lĩnh vực VHNT. Đây là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, thu hút số lượng hội viên đông đảo, có khi lên đến hơn 5.000 người.
Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM bày tỏ, 60 năm là một chặng đường dài đánh dấu sự đóng góp to lớn của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ đã sống, chiến đấu, lao động và xây dựng đất nước với nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít thử thách, đòi hỏi mỗi văn nghệ sĩ phải luôn nỗ lực không ngừng.
Ở lĩnh vực âm nhạc, PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM, Chi hội Trưởng Chi hội Lý luận, Phê bình và Đào tạo, Hội Âm nhạc TP tâm tư, đội ngũ những người được đào tạo chuyên ngành Lý luận âm nhạc đã đóng góp tích cực ở nhiều phương diện về văn hóa, nghệ thuật cho TP, thế nhưng vẫn còn đó một khoảng trống đội ngũ… “Phải thẳng thắn nhìn nhận, có một khoảng cách lớn giữa đào tạo và thực hành nghề nghiệp, giữa đời sống âm nhạc với ngành Lý luận - phê bình. Lý luận và kể cả những nghiên cứu được thực hiện trong nhà trường còn chưa trùng khớp với những vấn đề của đời sống âm nhạc hôm nay”, PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, người làm công tác lý luận, phê bình vừa thiếu, vừa chưa chuyên nghiệp và hầu như không được đào tạo. Những khoảng trống đó không biết đến bao giờ mới có thể lấp đầy, nếu công tác đào tạo và kể cả sự quan tâm, đầu tư vẫn là… khoảng lặng như hiện nay.
Theo họa sĩ Siu Quý, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật TP.HCM, có thực tế là một bộ phận họa sĩ trẻ hiện nay dễ bị thu hút vào các hình thức mới, sa vào thị hiếu thị trường mà xem nhẹ những giá trị truyền thống, tạo ra đứt gãy về nhận thức. Nhưng không phải là tất cả, đa số họa sĩ trẻ hôm nay không chỉ thể hiện được bản lĩnh nghề nghiệp, sự sung sức, năng động trong sáng tác, tích cực tìm phong cách riêng, táo bạo thể nghiệm ngôn ngữ biểu đạt, cách tân nghệ thuật, trình độ nghề nghiệp vững vàng mà còn luôn khát khao được xem, được đọc những tác phẩm văn học, thơ, sân khấu, điện ảnh hay về đề tài cách mạng, vẫn say mê với những ca khúc đi cùng năm tháng. Như vậy, vấn đề là cần có chính sách, giải pháp để giúp họ thực hiện được những tác phẩm đề tài Lực lượng vũ trang, Chiến tranh cách mạng để mỹ thuật Việt không bị đứt gãy đối với đề tài thiêng liêng này trong những năm tháng trước mắt và lâu dài.
Vở “Khách sạn Hào Hoa” của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang chuẩn bị ra mắt phục vụ công chúng trong thời gian tới
… và đóng góp tích cực vào công cuộc chấn hưng văn hóa
Tại Hội thảo, các văn nghệ sĩ đã trao đổi, thảo luận nhiều giải pháp nhằm giữ gìn, phát huy những di sản tinh thần cho thế hệ sau. “So với nhu cầu mới, Liên hiệp các Hội VHNT và bản thân mỗi văn nghệ sĩ cần nỗ lực, phấn đấu hơn nữa, nhằm tạo ra nhiều thành tựu trong sáng tác, lý luận phê bình, quản lý VHNT, cũng như quảng bá các tác phẩm trong nước và ra nước ngoài. Ngoài ra, việc bồi dưỡng chính trị - tư tưởng - đạo đức, trí tuệ cũng cần được tiếp tục phát huy…”, PGS.TS Trần Luân Kim nhìn nhận.
TS Phạm Ngọc Hiền, Trưởng ban Lý luận phê bình Hội Nghệ sĩ Múa TP.HCM cho rằng, công tác quản lý, giáo dục đào tạo để bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa dân gian, dân tộc là hết sức cấp thiết, nhằm góp phần vào sự nghiệp chấn hưng văn hóa của đất nước. “Nhất thiết phải có những chính sách, ưu đãi về nghề cho các nghệ sĩ, diễn viên múa, các vũ đoàn đối với lĩnh vực này”, TS Phạm Ngọc Hiền bày tỏ.
Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM nhận định, với 60 năm bền bỉ, nỗ lực, lực lượng văn nghệ sĩ Sài Gòn - TP.HCM đã làm nên nhiều tác phẩm VHNT có giá trị, tạo ra di sản tinh thần to lớn, góp phần quan trọng vào công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Vì vậy, việc lưu giữ và phổ biến các tác phẩm cùng ký ức về con người sáng tạo nên các tác phẩm VHNT có giá trị lâu bền là hết sức cần thiết. “Những tác phẩm VHNT đã được định vị trong lòng công chúng, được lưu giữ và phổ biến rộng rãi sẽ góp phần không nhỏ trong việc lấp đi được phần nào khoảng trống. Và di sản VHNT được bảo tồn, lưu giữ, phát huy giá trị và được tiếp tục lan tỏa… cũng sẽ là động lực để thúc đẩy sự sáng tạo”, nhà văn Bích Ngân chia sẻ.
Theo họa sĩ Siu Quý, cần xây dựng một đề án cấp quốc gia về Mỹ thuật trẻ đối với đề tài chiến tranh cách mạng. “Đây là đề tài khó, thậm chí rất khó đối với các họa sĩ trẻ, do đó nội dung đề án phải thật cụ thể, như tổ chức các trại sáng tác, những chuyến thực tế về nguồn để các họa sĩ có thể cảm nhận được lịch sử ký ức chiến tranh một cách hiện hữu. Bên cạnh đó phải có sự đầu tư đúng mức cho lĩnh vực này”, họa sĩ Siu Quý đề xuất.
GS.TS Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM cho rằng, để phát triển mỹ thuật trong không gian văn hóa công cộng tại TP, Hội Mỹ thuật đề nghị Liên hiệp các Hội VHNT phối hợp với các cơ quan chức năng có kế hoạch hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý; hoàn thiện bản đồ quy hoạch tổng thể các công trình, tác phẩm mỹ thuật trong không gian văn hóa công cộng. Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách pháp lý để tạo sự phối hợp đồng bộ giữa mỹ thuật - kiến trúc - quy hoạch và các ngành có liên quan. Đặc biệt có cơ chế trích từ 1-5% tổng kinh phí thực hiện các công trình kiến trúc công cộng cho công việc làm đẹp của mỹ thuật, để mỗi công trình công cộng không chỉ làm tốt công năng thực dụng mà còn là tác phẩm nghệ thuật làm đẹp cảnh quan đô thị.
Nhằm khắc phục những vấn đề đã nêu, PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm đề xuất, cần phải bắt đầu từ đào tạo, bởi nguồn nhân lực được cung cấp chủ yếu bằng con đường này. Cần phá bỏ vị trí “độc quyền” của cơ sở đào tạo chuyên ngành Âm nhạc học của Nhạc viện TP.HCM, có thể đầu tư cho một trường công lập theo hướng này như một “đơn hàng” tạo nguồn nhân lực cho TP.
THÙY TRANG